Trình sửa đổi cải cách tiền lương trong quý II/2025
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Trong đó, Bộ đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch của Chính phủ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, người phát ngôn của Bộ Nội vụ.
Bộ cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; xây dựng bảng lương gắn với vị trí việc làm mới...
Bộ Nội vụ dự kiến, trong quý II/2025 sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH bảo đảm đồng bộ, thống nhất các nội dung về tiền lương trong khu vực công và khu vực tư.
Đồng thời, sẽ thực hiện đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Trong đó, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ báo cáo tình hình kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng xây dựng nhiều chính sách nhằm tổ chức, quản lý đối tượng cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, tại Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được quốc hội xem xét có quy định theo hướng cán bộ, công chức được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, không phải thực hiện chế độ tập sự. Bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch… và thực hiện xếp lương cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Bộ đề xuất chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Cụ thể quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm duy trì, ổn định các thị trường lao động ngoài nước truyền thống; phát triển, mở rộng các thị trường lao động có thu nhập bảo đảm phù hợp trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp trong và sau khi về nước.
Việc chậm trả lương sẽ sớm được khắc phục
Trả lời câu hỏi vì sao bộ máy mới của các bộ, cơ quan ngang bộ và các sở ngành tại các địa phương đi vào hoạt động từ 1/3, nhưng đến thời điểm này, nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều nơi chưa nhận được tiền lương tháng 3 và tháng 4?
Ông Trần Hải Nam - Phó cục trưởng Cục Tiền lương và bảo hiểm xã hội (Bộ Nội vụ) cho biết nguyên nhân chính đến từ việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập.
Theo ông Nam, sau khi Chính phủ ban hành chức năng nhiệm vụ tổ chức, bộ máy của các bộ ngành, cơ quan thì các bộ, ngành cũng ban hành các quyết định thành lập tổ chức bộ máy đơn vị trực thuộc.

Cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhận lương tháng 3 và tháng 4 sẽ được khắc phục.
"Theo đó, khi triển khai nội dung này các đơn vị phải kiện toàn các thủ tục như đăng ký con dấu, mở tài khoản, liên quan đến các thủ tục bổ nhiệm kế toán trưởng… Tiến độ hoàn thiện bộ máy mỗi cơ quan đơn vị khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi trả lương", ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, ông Nam cho hay, đến thời điểm này về cơ bản các cơ quan đã tiến hành trả lương và việc chậm trả lương sẽ sớm được khắc phục.
"Cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhận lương tháng 3 và tháng 4 sẽ được khắc phục trong thời gian ngắn sắp tới", ông Nam thông tin.
Liên quan đến cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, ông Nam cho hay, thực hiện Nghị quyết 142 tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, việc cải cách tiền lương bắt đầu từ 1/7/2024. Theo đó, đã triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở và thực hiện tăng lương hưu, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng.
"Tại Nghị quyết 142 Quốc hội cũng giao Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 9 tới đây. Cho nên, tại kỳ họp thứ 9 tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 27", ông Nam nói.