Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ gỡ vướng các nội dung trình Kỳ họp thứ 9

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày.

Xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. 

Trình bày báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước). 

Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để ĐBQH nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ gỡ vướng các nội dung trình Kỳ họp thứ 9- Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).

Cụ thể, rút khỏi chương trình Kỳ họp 4 nội dung và bổ sung 13 nội dung. Trong đó, bổ sung 10 nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 do đã có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kết luận của UBTVQH khi xem xét, cho ý kiến về từng nội dung hoặc Chính phủ đã gửi hồ sơ, đã được bố trí trong chương trình để UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này. 

Bổ sung 1 nội dung đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình và giải pháp ứng phó với quyết định áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. 

Bổ sung báo cáo của Chính phủ về tình hình phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; Bổ sung báo cáo của Chính phủ về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng.

Ngoài ra, xin ý kiến của UBTVQH về một số nội dung khác liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số luật về quân sự, quốc phòng; về một số nội dung khác các cơ quan đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Về dự kiến chương trình Kỳ họp, ông Tùng cho hay dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần; khai mạc vào sáng ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc chiều ngày 28/6/2025 và được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5/2025 - 29/5/2025; Đợt 2: từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025.

Đối với việc bố trí thời gian xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua, sẽ ưu tiên bố trí thời gian Quốc hội xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua cùng một thời điểm đối với các nội dung có liên quan trực tiếp với nhau. 

Tiếp tục bố trí thời gian trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra trong Chương trình kỳ họp để đại biểu Quốc hội nghe trực tiếp các cơ quan thuyết trình về dự án, dự thảo, báo cáo nhưng rút ngắn thời gian trình bày để bảo đảm ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, tập trung vào các nội dung trọng tâm của dự án, dự thảo, báo cáo; bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội…

Chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo Kỳ họp thứ 9 thành công

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thành công. 

Chủ tịch Quốc hội thống nhất bổ sung 13 nội dung và rút 4 nội dung ra khỏi dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9. 

Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ gỡ vướng các nội dung trình Kỳ họp thứ 9- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong đó, 4 nội dung rút khỏi chương trình gồm: Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; 

Xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét, quyết định chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị chưa bổ sung vào Chương trình Kỳ họp nội dung về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, bởi đây chưa phải là vấn đề cấp thiết, có thể ban hành Nghị quyết của Chính phủ. 

"App Quốc hội 2.0" phải nhanh, cập nhật đầy đủ dữ liệu, giao diện thân thiện

Cân nhắc bổ sung vào Chương trình Kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, bởi vẫn chưa có hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này...

Đối với các nội dung liên quan khác, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đôn đốc các Bộ trưởng chủ động rà soát các luật trình Quốc hội. Trong đó, cần tuân quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, theo đó các Bộ trưởng có trách nhiệm trong khâu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. 

Đối với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan cần nghiên cứu đảm bảo ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng thời gian của Kỳ họp.

Nhấn mạnh việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự là nội dung lớn, khó, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan liên quan quan tâm, vì nội dung này thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV không nhiều, đây là giai đoạn nước rút. 

Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát từng điều, từng chương, từng luật, nếu có khó khăn, vướng mắc, còn ý kiến khác nhau, Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ để tháo gỡ vướng mắc mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa có sự đồng thuận, còn ý kiến khác nhau...