5 trường hợp được thanh toán BHYT dù chưa có thẻ hoặc chưa xuất trình thẻ

Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, nghị định quy định rõ các trường hợp được thanh toán bảo hiểm y tế dù chưa có thẻ hoặc chưa xuất trình thẻ.

Các trường hợp được thanh toán bảo hiểm y tế dù chưa có thẻ hoặc chưa xuất trình thẻ

Thứ nhất, trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT.

Khoản 2 Điều 37 (căn cứ theo Điều 70 Nghị định 188, Điều 37 có hiệu lực từ 15/8/2025) quy định: Trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT nhưng có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh thì được làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT và được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi quyền lợi như người có thẻ.

Thứ hai, người đang chờ cấp lại, đổi hoặc điều chỉnh thông tin thẻ.

Khoản 3 Điều 37 nêu rõ: Người đang chờ cấp lại, đổi thẻ hoặc điều chỉnh thông tin được sử dụng giấy hẹn do cơ quan BHXH cấp và giấy tờ chứng minh nhân thân để khám chữa bệnh BHYT và được thanh toán theo đúng quyền lợi.

Thứ ba, người cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong chưa xuất trình được thẻ.

Khoản 1 Điều 54 (theo Điều 70 Nghị định 188, Điều 54 có hiệu lực từ 01/7/2025) quy định: Người trong tình trạng mất ý thức, tử vong hoặc cấp cứu khẩn cấp chưa xuất trình được thẻ vẫn được thanh toán nếu cơ sở khám chữa bệnh xác minh được thông tin tham gia BHYT.

Thứ tư, người có thẻ BHYT bị mất, hỏng, sai thông tin nhưng chưa được điều chỉnh.

Cũng theo khoản 1 Điều 54, người đã tham gia BHYT nhưng thẻ bị mất, sai thông tin hoặc chưa cập nhật vẫn được thanh toán sau khi xác minh đúng mã số BHYT.

Thứ năm, người thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT nhưng chưa được cấp thẻ.

Khoản 1 Điều 54 quy định thêm: Người đã có tên trong danh sách tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng, dù chưa được cấp thẻ, vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu có xác nhận từ cơ quan BHXH.

5 trường hợp được thanh toán BHYT dù chưa có thẻ hoặc chưa xuất trình thẻ- Ảnh 1.

Các trường hợp được thanh toán bảo hiểm y tế dù chưa có thẻ/chưa xuất trình thẻ tại Nghị định 188/2025/NĐ-CP (ảnh minh họa).

Quy định mới về mức đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng

Nghị định cũng đưa ra mức đóng BHYT cụ thể do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng.

Theo đó, mức đóng do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng được quy định như sau: mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b và đ khoản1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do đối tượng đóng.

Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và do người sử dụng lao động của công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, người sử dụng lao động của công nhân công an đang công tác trong công an nhân dân đóng.

Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động của tháng liền kề trước khi bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người sử dụng lao động và người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh.

Mức đóng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng được quy định như sau: Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động; mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 1 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở; mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.

Mức đóng hàng tháng của nhóm do ngân sách Nhà nước đóng được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Mức đóng của nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được quy định như sau: mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 4 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần theo quy định.

Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc tự đóng theo cá nhân tham gia.

Thành viên hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế cùng tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ mức đóng như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ hỗ trợ từ 30-100% mức đóng BHYT tùy thuộc đối tượng. Trong đó, hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo; hỗ trợ tối thiểu 70% đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế...

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Điều kiện áp thuế ưu đãi với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô từ tháng 7/20255 trường hợp được thanh toán BHYT dù chưa có thẻ hoặc chưa xuất trình thẻ- Ảnh 3.
Tham khảo thêm
Thời gian cấp đổi sổ đỏ theo quy định mới nhất, ai cũng nên biết5 trường hợp được thanh toán BHYT dù chưa có thẻ hoặc chưa xuất trình thẻ- Ảnh 4.

Tuệ Minh