Nhìn lại lịch sử 50 năm qua (tính từ thời điểm đất nước thống nhất năm 1975), cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã thay đổi chóng mặt, trở thành “huyết mạch” đưa nước ta đứng vào hàng ngũ những nền kinh tế đang lên hấp dẫn nhất khu vực.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn TS. Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng) nói về chặng đường phát triển hạ tầng giao thông và hiến kế đưa đất nước thực sự bước vào Kỷ nguyên vươn mình.
"Đất nước muốn bứt phá, bắt buộc phải đi trên những tuyến cao tốc"
Khi nhắc đến hạ tầng giao thông của đất nước hậu chiến tranh, tôi vẫn nhớ cha mẹ mình thường kể về những con đường đất đỏ và giấc mơ có một chiếc xe đạp Thống Nhất. Thế hệ của ông là những người trực tiếp chứng kiến sự thay đổi của đất nước sau Giải phóng miền Nam, không biết ông sẽ có kỷ niệm gì đáng nhớ?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi còn nhớ rất rõ, sau năm 1975, hạ tầng giao thông của Việt Nam gần như kiệt quệ sau chiến tranh. Đường sá chủ yếu là đất đỏ, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù. Có những chuyến đi mà chỉ vài chục cây số nhưng mất cả ngày trời. Với chúng tôi, chiếc xe đạp Thống Nhất không chỉ là tài sản quý giá mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn lên.
Tuổi trẻ của tôi gắn liền với những chuyến đạp xe vượt đèo, qua phà, qua những chiếc cầu khỉ chông chênh... Nhưng chính từ những gian khó đó, tôi mới càng cảm nhận sâu sắc giá trị của từng con đường được mở ra, từng cây cầu được nối liền. Hạ tầng không chỉ là bê tông, nhựa đường – đó là con đường đưa đất nước thoát nghèo, là nhịp nối những giấc mơ Việt Nam.
Cuối những năm 1970, tôi du học ở Liên Xô. Khi ấy, chỉ cần đặt chân tới Moscow là đã thấy một thế giới khác – tàu điện ngầm hiện đại, đường sá rộng thênh thang, giao thông quy củ. Còn quê hương mình thì là thế. Hình ảnh đối lập đó khiến tôi vừa khâm phục, vừa đau đáu một giấc mơ: Bao giờ Việt Nam mới có hạ tầng như thế? Bao giờ quê tôi có đường nhựa để trẻ con không còn phải lội bùn đến lớp?
Giấc mơ ấy đã theo tôi suốt cả cuộc đời. Và hôm nay, khi nhìn thấy cao tốc băng qua đồi núi, khi thấy học trò vùng sâu đi học bằng xe buýt, tôi tin: giấc mơ năm ấy đang dần trở thành hiện thực.

Có lẽ sau 50 năm - nửa thế kỷ - khi nhìn lại thì những thành tựu Việt Nam đang có hôm nay về mặt hạ tầng giao thông, sẽ gây xúc động lớn cho những thế hệ như ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng vậy. Nhìn lại sau 50 năm, điều khiến tôi xúc động nhất là Việt Nam đã đi từ “đường đất” lên “đường cao tốc” – một bước nhảy vọt mang tính thời đại. Từ những con đường làng bụi đỏ, hôm nay ta đã có gần 2.000km cao tốc, hàng trăm cây cầu vượt sông, những sân bay quốc tế hiện đại.
Một trong những kỳ tích ấn tượng nhất là việc chúng ta xây dựng đồng loạt nhiều tuyến cao tốc xuyên vùng, nối liền Bắc – Nam, Đông – Tây. Tôi từng chứng kiến lễ thông xe trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và ngắm nhìn dòng xe lao vun vút giữa miền Tây trù phú. Chỉ một con đường thôi, nhưng thay đổi cả vùng đất.
Đó không chỉ là thành tựu kỹ thuật, mà là biểu tượng cho ý chí và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.
Tôi còn nhớ, giai đoạn 2011–2016 là thời điểm tôi được tham gia Nhóm tư vấn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – một giai đoạn bản lề, khi Việt Nam bắt đầu chuyển từ tư duy “cơ sở” sang tư duy “kết nối” trong phát triển hạ tầng. Một trong những góp ý Tổ tư vấn chúng tôi nhấn mạnh khi ấy là: muốn nền kinh tế vận hành hiệu quả, phải coi hạ tầng là một “nguồn lực chiến lược” – chứ không chỉ là công trình kỹ thuật. Cao tốc, cảng biển, sân bay... không chỉ để đi lại thuận tiện, mà còn để mở không gian phát triển mới, kích hoạt đầu tư, thúc đẩy hội nhập.
Nhìn lại lịch sử 50 năm của ngành hạ tầng giao thông, Việt Nam đã có 3 giai đoạn quan trọng.
Giai đoạn đầu Đổi mới (1986–1995) – khai thông những tuyến quốc lộ huyết mạch. Giai đoạn thứ hai, 2010–2016 – bùng nổ các dự án hạ tầng lớn, đặc biệt là cao tốc. Và hiện nay – khi cả nước đang tổng lực triển khai hơn 3.000km cao tốc và quy hoạch hệ thống kết nối vùng chiến lược. Mỗi giai đoạn ấy đều ghi dấu một bước tiến mới, gắn liền với tư duy phát triển quốc gia.
Vì sao ông lại có nhận định như thế?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Giao thông luôn là mạch máu của nền kinh tế. Khi hạ tầng được mở ra, thị trường mở theo; khi giao thông được kết nối, cơ hội phát triển lan tỏa đến từng vùng miền. Chính nhờ hạ tầng mà nhiều địa phương trước đây vốn là vùng trũng kinh tế, nay đã trở thành cực tăng trưởng mới.
Theo tôi, hạ tầng không chỉ là điều kiện cần, mà còn là chìa khóa tạo thế và lực cho Việt Nam vươn mình. Thế – là thế liên kết vùng, là vị thế chiến lược mới; còn lực – là sức bật của đầu tư, sản xuất, logistics và cả đổi mới sáng tạo.
Một quốc gia muốn phát triển nhanh, không thể đi trên những con đường chậm. Muốn bứt phá, phải đi trên những tuyến cao tốc – cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

3 kế sách để Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong giai đoạn mới, nước ta đặt mục tiêu có 5.000km đường cao tốc năm 2030; khởi công tuyến đường sắt Hải Phòng-Hà Nội- Lào Cai để kết nối với Trung Quốc, chuẩn bị đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam và đang đầu tư xây dựng hàng loạt sân bay lớn… Ông có hiến kế gì để kế hoạch lớn của Đảng và Nhà nước hoàn thành thuận lợi?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi rất tâm đắc với tinh thần quyết liệt hiện nay: không chỉ làm đường, mà là mở tương lai. 5.000km cao tốc, đường sắt xuyên Á, sân bay tầm quốc tế – đó không chỉ là những con số ấn tượng, mà là dấu hiệu một Việt Nam đang bứt phá để bước vào kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, để kế hoạch lớn này thành công, tôi xin hiến kế ba điểm: Thứ nhất, cần một Ủy ban quốc gia về hạ tầng chiến lược, đủ tầm nhìn, quyền hạn và trách nhiệm liên ngành để chỉ đạo xuyên suốt. Thứ hai, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và quốc tế, đặc biệt qua mô hình PPP minh bạch, ổn định pháp lý. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho hạ tầng – vì công nghệ hiện đại sẽ quyết định chất lượng và tiến độ các dự án.
Hạ tầng là cuộc đua với thời gian. Nếu đi trước, ta dẫn đầu. Nếu chậm chân, ta sẽ lỡ cơ hội phát triển cả một thế hệ.
Theo tôi, nếu chúng ta hoàn thành các mục tiêu hạ tầng vào năm 2030, cục diện đất nước sẽ thay đổi căn bản. Việt Nam sẽ không còn là nền kinh tế “ven biển” lệ thuộc cảng, mà trở thành một quốc gia kết nối – nơi mọi vùng miền đều thông thương thuận lợi, mọi địa phương đều có cơ hội bứt phá.
Người dân sẽ thấy rõ lợi ích: Thứ nhất, đi lại nhanh hơn, an toàn hơn, từ miền núi đến đồng bằng, từ thôn quê đến thành phố. Thứ hai, giá hàng hóa rẻ hơn nhờ chi phí logistics giảm mạnh. Thứ ba, việc làm nhiều hơn, vì đầu tư sẽ tìm đến những nơi có hạ tầng thuận lợi. Thứ tư, điều quan trọng nhất: cuộc sống sẽ tiện nghi, văn minh, giàu cơ hội hơn.
Một nền hạ tầng hiện đại sẽ không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, mà còn thu hẹp khoảng cách phát triển – giúp mọi người dân cùng vươn lên trên một mặt bằng mới.
Và nếu mục tiêu đó hoàn thành thì vị thế của VN trên bản đồ thế giới sẽ thay đổi ra sao?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Hiện nay, so với nhiều nước trong khu vực, hạ tầng giao thông Việt Nam khởi đầu muộn hơn, nhưng tốc độ hiện nay thì rất ấn tượng. Từ chỗ tụt hậu, chúng ta đang vươn lên mạnh mẽ – và nếu hoàn thành mục tiêu 5.000km cao tốc, hệ thống đường sắt xuyên Á, sân bay quốc tế tầm cỡ vào năm 2030, Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp nhóm đầu của ASEAN về hạ tầng kết nối.
Một bài học rất đáng học là Trung Quốc – quốc gia đã biến hạ tầng thành đòn bẩy phát triển thần kỳ, đưa hàng hóa, con người và ý tưởng lan tỏa khắp đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam có thể chọn một cách làm riêng: không chỉ nhanh mà còn bền vững, gắn kết vùng sâu vùng xa, bảo vệ môi trường và văn hóa.
Nếu chúng ta làm được như vậy, đến năm 2030, vị thế Việt Nam sẽ khác: từ một quốc gia “đang phát triển” trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một trung tâm kết nối Đông Nam Á với Đông Bắc Á và xa hơn nữa.
Hạ tầng là thứ ta có thể xây bằng máy móc, nhưng vị thế quốc gia – là thứ được xây bằng tầm nhìn.

"Nếu không khai thông thể chế, mọi nỗ lực chỉ là đọng vốn giữa đường"
Trước khi có được tương lai sáng với những kế hoạch lớn ấy, TBT Tô Lâm cũng đã thẳng thắn thừa nhận, hạ tầng là một trong 3 điểm nghẽn lớn của Việt Nam. Ông sẽ nói gì về nhận định thực tế đó?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tổng Bí thư Tô Lâm đã rất chính xác khi chỉ ra rằng: hạ tầng tuy phát triển nhanh, nhưng vẫn là một trong ba điểm nghẽn lớn. Vì sao? Bởi tốc độ phát triển hạ tầng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Chúng ta có cao tốc, nhưng chưa đủ kết nối vùng sâu, vùng xa. Có sân bay, cảng biển, nhưng liên kết đa phương thức còn yếu. Có quy hoạch, nhưng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, đội vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Nói cách khác, vấn đề không chỉ ở "có hạ tầng", mà là "có hạ tầng đúng chỗ, đúng lúc, đúng cách". Hạ tầng phải đi trước một bước – nhưng nhiều khi, nó vẫn đang… chạy sau nhu cầu phát triển.
Vì vậy, tháo điểm nghẽn này không chỉ là xây thêm đường, mà còn là hoàn thiện thể chế đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, và thúc đẩy hợp tác công – tư hiệu quả.
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đang nằm ở thể chế – cụ thể là trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành. Nếu thể chế chậm đổi mới, thì dù có vốn, có công nghệ, hạ tầng vẫn tắc ở khâu triển khai.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm khi đi khảo sát một tuyến đường ở miền Trung – nơi dự án đã được phê duyệt, vốn đã có, nhưng suốt ba năm vẫn chưa thể khởi công, chỉ vì vướng giải phóng mặt bằng. Người dân thì sốt ruột, nhà đầu tư thì chán nản, chính quyền địa phương thì lúng túng.
Khi đó, tôi mới thấy rõ: nếu không khai thông thể chế, mọi nỗ lực phát triển đều bị "đọng vốn giữa đường". Và muốn cải thiện, không chỉ cần chính sách tốt, mà còn cần bộ máy thực thi đủ năng lực, đủ tinh thần dấn thân và đồng hành với người dân, nhà đầu tư.
Từ điểm nghẽn ấy và đặt trong bối cảnh chính trị - thương mại thế giới đang có nhiều biến động dữ dội, ông nghĩ Việt Nam sẽ có cơ hội và thách thức như thế nào?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Phải nói rằng, 50 năm qua, Việt Nam đã có bước phát triển đáng tự hào, đi lên từ những con đường đất đỏ, nay đã có cao tốc xuyên vùng, sân bay quốc tế, cầu vượt biển… Đó là thành quả của khát vọng bền bỉ, của cả một dân tộc không chịu lùi bước.
Nhưng cá nhân tôi vẫn rất tiếc nuối vì có những thời điểm chúng ta chậm trễ trong cải cách thể chế và thu hút nguồn lực, khiến nhiều dự án bị ách tắc, cơ hội phát triển bị bỏ lỡ.
Còn điều tôi muốn làm nhất lúc này, là góp phần xây dựng một thể chế hiện đại, minh bạch, hiệu quả – để mỗi đồng đầu tư vào hạ tầng đều đến đúng nơi, đúng lúc, tạo ra giá trị lớn nhất cho người dân và cho tương lai đất nước.
Bởi vì, hơn cả những con đường, điều quan trọng là chúng ta đang mở lối cho một Việt Nam tự tin, kết nối và vươn mình ra thế giới.
Thế giới đang biến động nhanh, và Việt Nam – với vị trí địa chiến lược đặc biệt – vừa đứng trước nguy cơ bị cuốn vào dòng xoáy cạnh tranh, vừa có cơ hội trở thành điểm trung chuyển mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm nơi "trú ẩn" an toàn và hiệu quả hơn. Việt Nam có thể là lựa chọn hàng đầu – nhưng chỉ khi hạ tầng đủ tốt, thể chế đủ thông thoáng, và nguồn nhân lực đủ sẵn sàng.
Với hạ tầng giao thông, đây chính là thời điểm “vàng” để bứt phá. Vì nếu không đầu tư mạnh mẽ ngay từ bây giờ, chúng ta có thể bỏ lỡ làn sóng dịch chuyển đầu tư chiến lược lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Nói cách khác, thế giới đang định hình lại tuyến vận tải, chuỗi cung ứng, trung tâm sản xuất mới – và hạ tầng giao thông sẽ quyết định Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ mới ấy.

Ảnh: Việt Hùng, JICA_Trần Lê Huy