Theo cập nhật từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sau khi sáp nhập, cả nước có 22 sân bay trực thuộc ACV quản lý, trong đó 21 sân bay đang hoạt động và một sân bay đang tạm dừng hoạt động để nâng cấp là sân bay Nà Sản (Sơn La).
Sau sáp nhập, cả nước có 5 tỉnh, thành sở hữu 2 sân bay đáp ứng mục đích dân dụng gồm: TP.HCM (sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo); TP Đà Nẵng (sân bay Đà Nẵng và Chu Lai); tỉnh Gia Lai (sân bay Phù Cát và Pleiku); tỉnh An Giang (sân bay Phú Quốc và Rạch Giá); tỉnh Đắk Lắk (sân bay Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa).

Địa chỉ hành chính của các cảng hàng không trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau khi sáp nhập (Ảnh: ACV).
Theo danh sách trên, TP.HCM sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Côn Đảo, tổng công suất khoảng 51 triệu khách mỗi năm - lớn nhất cả nước.
Đáng chú ý, sau khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập thành TP.HCM mới, cả sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo đều nằm trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Điều này đồng nghĩa với việc đường bay Tân Sơn Nhất - Côn Đảo trở thành tuyến bay trong cùng một thành phố duy nhất tại Việt Nam. Đường bay này hiện có 2 hãng hàng không khai thác là Vietnam Airlines (thông qua đơn vị thành viên VASCO) và Vietjet.

Cảng hàng không Côn Đảo được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới trở thành "siêu đô thị" đầu tiên của Việt Nam.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM (HIDS), quy mô kinh tế sau hợp nhất của thành phố mới đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng - chiếm gần 1/4 GDP của cả nước. Thu ngân sách của thành phố mới cũng vượt trội, chiếm gần 1/3 cả nước với 682 nghìn tỷ đồng.
Trong tương lai, siêu đô thị này còn liên kết trực tiếp với cảng hàng không quốc tế Long Thành (công suất 50 triệu khách/năm), thông qua hệ thống cao tốc và đường sắt đô thị (metro).